Theo cảnh báo của Công ty An ninh mạng Bkav, nhiều người dùng smartphone ở Việt Nam đã để lộ những thông tin quan trọng như ảnh chụp, tin nhắn, email, danh bạ… khi mua, bán, cho mượn hoặc mượn smartphone nhưng vô tư giữ nguyên tài khoản được cấu hình sẵn trên máy.
Bkav cảnh báo người dùng smartphone Việt Nam chưa quan tâm đúng mức tới việc bảo vệ dữ liệu và tài khoản trên smartphone.
Bkav phân tích: hầu hết các ứng dụng phổ biến trên smartphone (điện thoại thông minh) đều cung cấp cơ chế đồng bộ dữ liệu giữa các thiết bị dùng chung tài khoản. Ví dụ với tính năng chat của Facebook, nội dung hội thoại sẽ được cập nhật đồng thời trên tất cả các thiết bị có cùng tài khoản. Do đó, nếu để người khác sử dụng smartphone cài sẵn tài khoản Facebook của mình, những gì bạn gõ sẽ bị người khác đọc được cùng một lúc.
Với các ứng dụng cho phép lưu trữ ảnh trực tuyến ngày càng phổ biến như Dropbox hay Photostream của iOS, ảnh chụp của người dùng sẽ được tự động tải lên máy chủ, sau đó tải về mọi thiết bị có chung tài khoản mà không cần hỏi. Tương tự như thế với Gmail và iCloud, nếu không chú ý bảo vệ tài khoản trên smartphone, người dùng có thể để lộ e-mail, danh bạ cùng nhiều dữ liệu nhạy cảm.
Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ tịch phụ trách an ninh mạng Bkav, nhấn mạnh: “Công nghệ phát triển quá nhanh, ý thức của người dùng không theo kịp sự phát triển đó. Smartphone sử dụng hàng ngày nên được coi là máy tính hơn là điện thoại và cần có những biện pháp bảo vệ tương xứng. Đáng tiếc, người dùng smartphone Việt Nam chưa quan tâm đúng mức tới việc bảo vệ dữ liệu và tài khoản trên smartphone”.
Các chuyên gia của Bkav khuyến cáo, khi chuyển nhượng hoặc cho tặng smartphone, nhất thiết phải gỡ bỏ các tài khoản cài đặt trên máy, tốt nhất là sử dụng chức năng khôi phục cấu hình gốc của nhà sản xuất (Factory reset) trước khi chuyển giao thiết bị. Tương tự như vậy, khi nhận smartphone từ người khác, người sử dụng cũng cần gỡ bỏ các tài khoản có sẵn để tránh vô tình tải thông tin của mình lên những tài khoản đó.
Theo thống kê được Bkav công bố chiều 19/8/2013, từ đầu tháng 8 đến nay đã có 2.524 dòng vi rút máy tính mới xuất hiện tại Việt Nam. Các vi rút này đã lây nhiễm trên 5.403.000 lượt máy tính. Vi rút lây nhiều nhất trong tháng qua là W32.Sality.PE - đã lây nhiễm trên 446.000 lượt máy tính. Cũng trong tháng 8, đã có 437 website của các cơ quan, doanh nghiệp tại Việt Nam bị hacker xâm nhập, trong đó có 16 trường hợp gây ra bởi hacker trong nước, 421 trường hợp do hacker nước ngoài.
Giới thiệu về IT VIỆT 365
Là blog cập nhập tin tức công nghệ giải trí nhanh chóng nhất nơi chia sẻ kiến thức về công nghệ hàng đầu chia sẻ cập nhập miễn phí chúng tôi không chịu trách nhiệm thông tin đăng tải
0 nhận xét:
Đăng nhận xét