Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2014

Nhớ “uốn lưỡi 7 lần” trước khi lên Facebook!

Filled under:

Trong thời đại Facebook, Twitter, Instagram thống trị, sắp xếp lại mọi thứ và thận trọng với mọi hành vi trên mạng xã hội là điều rất quan trọng. Những lưu ý dưới đây sẽ giúp bạn tránh được các phiền phức không đáng có do mạng xã hội đưa đến.
Ảnh

Đừng “tống” hết thức ăn lên mạng xã hội

Được thưởng thức bữa tối ngon lành tại nhà hàng sang trọng khiến chúng ta cảm thấy vui vẻ, song liên tục buông đũa chỉ để chụp ảnh món ăn rồi đăng lên Instagram lại là hành động thô lỗ đối với người đi cùng, chưa kể các thực khách xung quanh phải “chịu trận” mỗi lần đèn flash sáng lên hay câu hỏi “Bộ lọc nào tốt hơn” vang lên liên tục.
Một số nhà hàng thậm chí đã phải dán thông báo đề nghị các “nhiếp ảnh gia” không đứng lên ghế để chụp góc máy tốt hơn hay đề nghị không chụp ảnh. Lời khuyên là hãy cố gắng chỉ chụp những món ăn đặc biệt vào thời điểm đặc biệt cần ghi nhớ.

Nghĩ trước khi nói

Đây là điều chúng ta được dạy từ nhỏ nhưng khá bất ngờ khi nhiều người thông minh lại viết toàn các thứ ngu ngốc lên Twitter, Facebook mà không suy xét gì cả.
Hồi tháng 8/2013, Giáo sư Phil McGraw gây nên làn sóng phẫn nộ sau khi lên Twitter hỏi “quan hệ” với một cô gái say rượu có được không. Tin tweet bị xóa nhanh chóng nhưng kịp gây chấn động. Tiếp theo là trường hợp của Justine Sacco, một Giám đốc Truyền thông, viết trên Twitter trước khi lên máy bay sang Nam Phi hồi tháng 12/2013: “Đang đến châu Phi. Hi vọng tôi không bị AIDS. Đùa thôi. Tôi là người da trắng mà”. Câu tweet này lan truyền với tốc độ chóng mặt trong khi cô này vẫn đang trên máy bay và ngay sau đó, Sacco bị sa thải.
Chỉ mất vài giây để viết một câu ngớ ngẩn nhưng hậu quả của nó thật khôn lường.

Đừng “tag” người khác vào các tấm ảnh xấu xí

Bạn có thể thấy tấm ảnh một người bạn đang say sưa “chè chén” với bộ dạng mắt nhắm mắt mở là hài hước và ngay lập tức đăng lên Facebook rồi “tag” (đánh dấu) họ vào. Tuy nhiên, không phải ai cũng nghĩ như vậy. Hãy xin phép trước khi đăng những nội dung “nhạy cảm” về người khác lên mạng, đây là phép lịch sự tối thiểu.

Kiểm tra tin đồn

Nam diễn viên Tom Cruise không qua đời vì tai nạn giao thông hồi tháng 4 tại Úc. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào những tin đồn vô căn cứ trên Facebook và Twitter, bạn có thể tin vào điều trái thực tế này. Tiếp đó là các bài đăng giả mạo, cung cấp giá máy bay hay iPad giá rẻ để “dụ dỗ” bạn click vào những đường liên kết nhiễm độc.
Mạng xã hội có thể lan truyền tin thất thiệt với tốc độ tên lửa. Tốt nhất hãy kiểm tra các nguồn đáng tin cậy trước khi loan tin cho bạn bè.

Ít hơn, chọn lọc hơn

Một bức ảnh Instagram nghệ thuật về khung cảnh nơi bạn đang sống là quá đủ, đừng đăng liên tục cả chục tấm chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ. Quy tắc tương tự có thể áp dụng cho những người từng phút từng giờ cập nhật Facebook hay Twitter. Trừ phi đang đưa tin trực tiếp về một vụ việc quan trọng nào đó, còn không đừng “nhấn chìm” dòng tin mới của bạn bè bằng các thứ vô bổ, lặp lại.

Thoải mái hơn với ảnh “tự sướng”

Ảnh
“Selfie” (tự sướng) đã trở thành “Từ của năm 2013”. Có lẽ, đã đến lúc bạn không cần quá nghiêm khắc với hành động chụp ảnh tự sướng. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa bạn phải đứng trước gương trong nhà tắm và làm điệu bộ “chu mỏ” để chụp ảnh hay lúc nào cũng đăng ảnh trong tư thế “kiệm vải” như một bộ phận giới trẻ hiện nay.

Luôn là chính mình

Mạng xã hội cũng khai sinh ra một lứa “chuyên gia” mới, những người sẽ bảo bạn “làm thế nào để xây dựng thương hiệu riêng” trên Facebook, Twitter. Hãy quên họ đi! Mục đích cuối cùng của Facebook, Twitter vẫn chỉ xoay quanh những người bạn quen, giữ liên lạc với họ, sẵn sàng thể hiện bản thân ở đó; không một mưu mẹo tiếp thị nào có thể thay đổi điều đó.
Hãy luôn là chính mình, là duy nhất. Nếu dùng mạng xã hội chỉ để “câu” “like”, người theo dõi (follower), có thể bạn đang đi sai hướng.
Theo ICTnews/CNN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét