Thứ Ba, 21 tháng 7, 2015

Thiết bị truyền tiếp sóng Wi-Fi không phải là kích sóng điện thoại

Filled under:



Trong những ngày gần đây, các nhà mạng viễn thông ở Việt Nam đang lên tiếng về tình trạng có nhiều người dân sử dụng các thiết bị kích sóng điện thoại gây can nhiễu cho sóng tín hiệu của các mạng di động. Đây là những thiết bị nhập lậu (chủ yếu từ Trung Quốc) và không được phê duyệt hợp chuẩn Việt Nam.


KÍCH SÓNG ĐIỆN THOẠI



Thực tế đây là một giải pháp tình thế của người dùng ở những nơi sóng di động quá yếu. Nhưng nó đã bị lạm dụng để trang bị cho các tòa nhà nhiều tầng hay có diện tích rộng hoặc điểm kinh doanh dưới tầng hầm. Và điều trở thành nỗi ám ảnh của các nhà mạng là do thiết bị kích sóng này thu trực tiếp sóng di động từ các trạm gốc BTS (Base Station Subsystem) của các nhà mạng sau đó khuếch đại lên và phát lại với những tần số dễ gây nhiễu cho sóng của các mạng di động khác trong khu vực. Tình trạng này làm nhớ lại cái thời truyền hình analog mà những nhà ở vùng lõm sóng phải dùng ăngten có tính năng khuếch đại sóng để thu (có khác chăng là việc khuếch đại tín hiệu chỉ xảy ra trong đường cáp dẫn tới TV).

Hiện nay ở Việt Nam, các nhà mạng di động sử dụng các băng tần 900MHz và 1800MHz cho công nghệ GSM (2G) và băng tần 2100MHz cho WCDMA (3G). Băng tần 850MHz cho CDMA. Các thiết bị kích sóng đang bán trên thị trường cũng đáp ứng các băng tần này. Có loại chỉ hỗ trợ 1 băng tần (900MHz, 1800MHz hay 2100MHz), loại 2 băng tần GSM hay loại hỗ trợ 1 băng tần 2G cộng 1 băng tần 3G, và cũng có loại chơi đẹp cả 3 băng tần. Có nghĩa là rất rộng đường binh và người dùng có nhu cầu cỡ nào cũng được phục vụ.

Mà thôi, chuyện này là của các nhà mạng di động. Họ mà làm biếng phủ sóng đều khắp thì người có nhu cầu phải đi đầu cho khỏi bị rầu thôi.


TRUYỀN TIẾP SÓNG WI-FI



Như vậy, tuy có khi cùng được gọi là thiết bị truyền tiếp sóng repeater, nhưng các thiết bị kích sóng điện thoại lại không phải loại thiết bị truyền tiếp sóng Wi-Fi.

Cơ chế hoạt động của các thiết bị Wi-Fi repeater là thu sóng phát ra từ các Wi-Fi router giống như mọi thiết bị di động khác, nhưng sau đó chúng phát lại sóng ra cho các thiết bị trong khu vực phủ sóng của chúng kết nối. Nói nôm na, một Wi-Fi repeater là một Wi-Fi router thứ hai.



Hãng thiết bị mạng D-Link đã gọi thiết bị Wi-Fi repeater của mình bằng cái tên chính xác là “Range Extender” (thiết bị mở rộng tầm phủ sóng). Nó được thiết kế để giúp người dùng mạng Wi-Fi thiết lập một mạng Wi-Fi mới bên trong mạng Wi-Fi chính (một dạng mạng trong mạng, Network-in-Network) hay mở rộng phạm vi phủ sóng của Wi-Fi router đang có. Chẳng hạn như với văn phòng hay nhà có nhiều phòng hay có nhiều tầng, người ta chỉ cần gắn ở mỗi tầng hay mỗi phòng một thiết bị Range Extender này là có thể vào mạng Internet phà phà. Lợi thế của nó là có khả năng thu sóng mạnh hơn các thiết bị di động và có thể phát sóng cho nhiều thiết bị cùng kết nối.



Chẳng hạn như thiết bị Wireless N Range Extender DAP-1320 hay Wireless AC Range Extender DAP-1520 của D-Link. Nó cung cấp cho bạn đa chức năng mạng không dây như có thể làm một điểm truy cập access point (AP), một thiết bị bắc cầu bridge với AP, một Wi-Fi repeater hay một mạng wireless client. Nó thiệt là một giải pháp ngon lành cành đào cho việc mở rộng phạm vi phủ sóng của một mạng Wi-Fi đang có trong văn phòng nhỏ hay nhà riêng mà không cần phải mua thêm một router nữa. Nói thiệt tình, trong môi trường văn phòng nhỏ và nhà riêng, tôi chuộng giải pháp mở rộng sóng Wi-Fi bằng thiết bị Wi-Fi repeater hơn là mua Wi-Fi router có cường độ phát sóng mạnh (sóng càng mạng thì càng dễ gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng đó mà).

Cách thiết đặt cũng dễ dàng trong 3 nốt nhạc. Bạn chỉ cần kết nối DAP này với Wi-Fi router đang có. Nếu như cả Wi-Fi router lẫn Wi-Fi repeater đều hỗ trợ tính năng WPS (Wi-Fi Protected Setup) thì ơn Giời, mạng đây rồi. Bạn chỉ cần nhấn nút WPS trên router sau đó nhấn nút WPS trên Wi-Fi repeater cho tới khi đèn LED WPS nhấp nháy thì nhả tay ra. Kết nối đã thành công. Vậy là các thiết bị ở những nơi trước đây là vùng chết (dead spot) hay sóng Wi-Fi yếu giờ đây có thể lướt Web tốc độ cao, xem phim HD, chơi game online cả làng cùng chơi, gọi điện thoại Internet VoIP. Tính bảo mật được bảo đảm khi thiết bị hỗ trợ công nghệ mã hóa WPA và WPA2.



DAP được trang bị hệ thống ăngten thông minh thích hợp với môi trường trong nhà bằng cách bật nẩy các sóng Wi-Fi từ các bức tường hay trần nhà để hoạt động quanh các vật cản giúp xóa bỏ các điểm chết mà Wi-Fi router chính không phủ tới được hay cấp sóng rất yếu.

Nhờ hỗ trợ công nghệ Wi-Fi N chuẩn 300Mbps (DAP-1320) hay Wi-Fi AC chuẩn 750Mbs (DAP-1520), Wi-Fi repeater của D-Link cung cấp kết nối Wi-Fi tốc độ cao (hiện nay hầu hết các thiết bị di động tầm trung trở lên đều có kết nối Wi-Fi chuẩn N) và vẫn tương thích ngược với các thiết bị chỉ hỗ trợ Wi-Fi G hay N.

Tuy các DAP là thiết bị của D-Link, nhưng chúng vẫn hỗ trợ thu sóng từ nhiều Wi-Fi router của những thương hiệu khác. Ừ, có chi lạ. Sóng thôi mà. Sóng là trung tính, bán nam bán nữ, nào có phân biệt sóng của hãng nào.

Tôi có hỏi và được D-Link Việt Nam cho biết tất cả các thiết bị mạng D-Link được phân phối chính thức ở Việt Nam đều được chứng nhận hợp chuẩn từ trung tâm kiểm định của Cục Viễn thông thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông. Có nghĩa là các thiết bị truyền tiếp sóng Wi-Fi của D-Link không ảnh hưởng chi tới hòa bình thế giới.

Giá tham khảo ở Việt Nam là 1.350.000 đồng (DAP-1520) và 790.000 đồng (DAP-1320), đã có VAT. Hàng sẽ có tại Việt Nam vào cuối quý 3-2015.



Nguồn: PHẠM HỒNG PHƯỚC

0 nhận xét:

Đăng nhận xét