Nguyên nhân chính gây nhiễu cho các mạng thông tin di động VinaPhone, MobiFone và Viettel tại nhiều điểm hiện nay là việc sử dụng các thiết bị kích sóng thông tin di động không được phép và không đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật.
Thiết bị kích sóng được bán công khai trên mạng
Từ tháng 5/2015 đến nay, Trung tâm Tần số vô tuyến điện Khu vực I - Cục Tần số Vô tuyến điện, đã nhận được hơn 50 kháng nghị can nhiễu từ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin di động Viettel, MobiFone, VinaPhone. Các can nhiễu xảy ra trên các băng tần số 900MHz, 1800MHz và 2100MHz đã được cấp phép sử dụng cho hệ thống 2G, 3G. Khu vực xảy ra can nhiễu gồm các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Thanh Xuân… thuộc thành phố Hà Nội. Các vụ can nhiễu đã gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng dịch vụ của các nhà mạng thông tin di động, như tỷ lệ rớt cuộc gọi tăng cao bất thường, suy giảm tốc độ kết nối, thậm chí làm gián đoạn kết nối mạng 3G.
Nguyên nhân chính gây nhiễu cho các mạng thông tin di động tại nhiều điểm hiện nay được Trung tâm Tần số Vô tuyến điện Khu vực I xác định là việc sử dụng các thiết bị kích sóng thông tin di động không được phép và không đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật. Thực tế cho thấy, tại nhiều khu vực sóng di động yếu, một số tổ chức, hộ gia đình đã tự ý lắp đặt, sử dụng các thiết bị kích sóng di động. Các thiết bị kích sóng di động này được rao bán trôi nổi trên thị trường không đạt các quy chuẩn, quy định của Việt Nam gây can nhiễu có hại cho các mạng thông tin di động.
Các thiết bị kích sóng không đúng theo tiêu chuẩn đang gây nhiễu cho các mạng di động
Ngoài ra, nguyên nhân thứ hai là do một số đơn vị sử dụng thiết bị nhận dạng vô tuyến (RFID) để tự động nhận dạng, phục vụ theo dõi, quản lý ra vào bãi đỗ xe, quản lý hàng hóa, container ở cảng, quản lý thư viện, kho hàng, siêu thị, nhân viên, nhận dạng động vật, hệ thống thu phí giao thông, thẻ thông minh, hệ thống tính tiền ở siêu thị, quản lý hành khách ở sân bay…Các thiết bị RFID gây nhiễu là các thiết bị sử dụng dải tần số không đúng quy hoạch tần số của Việt Nam và các điều kiện kỹ thuật quy định tại Thông tư 03/2012/TT-BTTTT ngày 20/3/2012 của Bộ TT&TT.
Theo ông Lê Đăng Dũng, Phó Tổng giám đốc Viettel, tình trạng các thiết bị không tương thích do người dân sử dụng đã gây nhiễu khá lớn cho mạng 3G. Chỉ riêng ở Hà Nội, trong tháng 5/2015, Viettel phát hiện có 53 nguồn gây nhiễu ở một quận nội thành. Viettel đã phối hợp với Cục Tần số vô tuyến điện tìm kiếm và xử lý được 23 nguồn gây nhiễu, có 3 nguồn gây nhiễu chủ nhà không hợp tác, không mở cửa cho vào nhà để xử lý. Còn 27 nguồn gây nhiễu vẫn chưa phát hiện để xử lý được.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện cho hay, trong số 23 vụ đã tìm được nguồn nhiễu có 3 vụ do người dân sử dụng sử dụng thiết bị vô tuyến, 17 vụ dùng trạm lặp trong nhà để kích sóng di động, có 3 vụ tìm thấy thiết bị nhưng không gây nhiễu.
Ông Tuấn cho biết thêm, tình trạng gây nhiễu mạng di động 3G do điện thoại không dây kéo dài có xuất xứ từ Mỹ tồn tại từ mấy năm nay, việc tìm kiếm và xử lý nguồn gây nhiễu khá mệt mỏi và tốn kém cho các đơn vị quản lý tần số. Các thiết bị này vẫn được mang vào Việt Nam một cách thoải mái nên người dân tự do sử dụng, chỉ đến khi nhà mạng bị nhiễu mới đi tìm kiếm nguồn gây nhiễu và xử lý.
Ông Tuấn cho rằng, việc quản lý nhiều thiết bị vô tuyến nhập khẩu như điện thoại không dây kéo dài, trạm kích sóng di động trên thị trường rất lỏng lẻo làm ảnh hưởng lớn đến an toàn mạng viễn thông.
Mặt khác, khi đến nhà dân để xử lý nhiễu, nhiều người chia sẻ rằng không muốn lắp đặt các trạm kích sóng di động làm gì nhưng chỉ vì khu vực đó sóng quá yếu nên buộc họ phải gắn thêm thiết bị trong nhà. Về nguyên tắc khi phát hiện sử dụng thiết bị gây nhiễu đoàn kiểm tra có thể xử phạt nhưng nhiều người dân đổ tại sóng yếu do nhà mạng di động.
Theo ICTNews
0 nhận xét:
Đăng nhận xét