Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013

Tại sao Android 4.4 là phao cứu sinh cho những cỗ máy cấu hình yếu?

Filled under:

Tại sao Android 4.4 là phao cứu sinh cho những cỗ máy cấu hình yếu?
Phiên bản hệ điều hành Android 4.4 KitKat vừa được Google công bố vừa qua thực sự có nhiều thay đổi hơn chúng ta tưởng. Tất nhiên, ở phần nổi, Android 4.4 mang lại những ưu điểm mới mẻ về giao diện, thiết kế icon, hợp nhất Hangouts với ứng dụng nhắn tin hay hoàn thiện Google Nows. Tuy nhiên, quan trọng hơn tất cả, ông Sundar Pichai, trưởng dự án Android của Google đã xác nhận rằng Android 4.4 hỗ trợ hoạt động tốt trên các thiết bị cấu hình thấp chỉ sở hữu 512 MB RAM.







Có thể coi đây là cố gắng lớn của gã khổng lồ tìm kiếm nhằm hỗ trợ tốt hơn cho các smartphone giá rẻ đồng thời là đòn bẩy để kích thích nền tảng Android xuất hiện nhiều hơn không chỉ với dòng điện thoại cấp thấp mà còn cả nhiều thiết bị khác bao gồm đồng hồ thông minh hay Google Glass. Điều này cũng là bước đệm thực sự quan trọng cho nền tảng này, vì cuối cùng Google đã có thể có câu trả lời cho một nỗi đau mà Apple áp đặt trên Android, "phân mảnh".

Android 4.4 tối ưu cho điện thoại cấu hình thấp và thiết bị đeo người Android 4.4 chính thức ra mắt, chạy tốt trên smartphone cấu hình yếu Nhìn lại Android 4.4 và Nexus 5 trong "một nốt nhạc"


Phép màu hay sự lừa dối

Trước đây, một tính năng giúp cho chúng ta dễ dàng thấy được sự khác biệt của Android Jelly Bean so với Ice Cream Sandwich đó là Project Butter. Nhờ Project Butter, các thiết bị chạy Android 4.1 trở lên được tăng cường sự mượt mà ngay ở các tương tác trượt ngoài màn hình chủ. KitKat sẽ tiếp tục nâng tầm cho Project Butter với sự kế thừa trực tiếp bằng Project Svelte. Mặc dù nó không hẳn là chìa khóa nhiệm màu cải thiện đáng kể hiệu suất của các model cấp thấp, nhưng ít ra người dùng bình dân cũng sẽ không còn phải chịu nhiều cảm giác lag giật mà Gingerbread hay Ice Cream Sandwich gây ra trước đây.







Nghe thì khá đơn giản nhưng vẫn có phần mơ hồ, nhiều người tự hỏi liệu đây có phải là màn “nâng bi” quá đà của Sundar Pichai hay không? Tất nhiên, để trả lời được câu hỏi này, chúng ta sẽ phải hiểu rõ mấu chốt của vấn đề. “Project Svelte” là gì và vai trò của nó trong một cỗ máy Android ra sao?

Theo đó, Google cho biết họ đã tách nhân Android ra khỏi một chương trình có tên Google Experience, nhờ vậy cả 2 bộ phận này sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn trong quá trình vận hành. Bộ nhớ của Android đã được giảm tải bằng cách loại bỏ các dịch vụ nền không thực sự quan trọng. Ngay cả các ứng dụng rất phổ biến của Google như YouTube và Chrome cũng đã được tối ưu tương tự, chúng ngốn ít RAM hơn nhưng lại hoạt động trơn tru hơn. Ngoài ra, hệ thống sẽ tự động can thiệp mỗi khi phát hiện một ứng dụng đang tiêu tốn quá nhiều bộ nhớ RAM vào mục đích lãng phí. Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, Android sẽ khởi động các ứng dụng chạy nền ở nhiều thời điểm khác nhau giúp bộ nhớ RAM không bị quá tải khi có nhiều ứng dụng cùng được bật lên cùng lúc, do đó góp phần cải thiện sự ổn định chung cho toàn bộ chiếc smartphone hay tablet của người dùng.

Nhưng Google sẽ không thực hiện toàn bộ quá trình tối ưu hóa này một mình, họ vẫn cần tới sự hợp tác của các nhà sản xuất và các nhà phát triển ứng dụng. Để làm điều này, Google đã giới thiệu một số công cụ nhằm giúp các thế hệ thiết bị tiếp theo có tận dụng tuyệt đối khả năng tối ưu hóa giữa hệ điều hành và phần cứng. Có thể kể đến là zRAM hay khả năng tinh chỉnh bộ nhớ cache của mã Dalvik JIT. Các công cụ khác sẽ bao gồm một hàm API mới cho phép các nhà phát triển làm cho ứng dụng của họ thực sự linh hoạt, họ hoàn toàn có quyền tự tinh chỉnh hoặc vô hiệu hóa tính năng chiếm dụng bộ nhớ cao, tùy thuộc vào cấu hình của từng thiết bị cụ thể.







Không còn phân mảnh?

Phân mảnh là cụm từ mà chúng ta đã nghe đến rất nhiều trước đó. Android là một hệ sinh thái rất lớn và mạnh mẽ nhưng điểm yếu cố hữu của nó chính là sự phân mảnh đến từ hàng nghìn thiết bị khác nhau với đủ loại cấu hình, kích thước màn hình. Những chênh lệch về phần cứng khiến cho việc nâng cấp hệ điều hành đối với một số thiết bị cũ là hết sức khó khăn. Đây cũng chính là mũi nhọn mà Apple liên tục đem ra để chê bai hệ điều hành do Google phát triển. Không khó để nhận ra rằng iOS vẫn là nền tảng được các nhà phát triển ưa chuộng. Giải thích cho kết quả này Mike King, nhà xây dựng chiến lược điện thoại hàng đầu của Appcelerator cho rằng iOS có số lượng thiết bị ít và hầu như tất cả các thiết bị đều được chạy trên phiên bản hệ điều hành iOS mới nhất. Bằng chứng là chúng ta có thể thấy chiếc iPhone 4 đã 3 năm tuổi nhưng vẫn được nâng cấp lên iOS 7 mới.

Theo thống kê gần đây, mặc dù Jelly Bean vẫn đang chiếm thị phần chủ đạo trong số các thiết bị Android nhưng ít nhất 26% smartphone và tablet vẫn còn mắc kẹt trên phiên bản Gingerbread cũ kỹ. Bên cạnh đó, hiện nay số người sử dụng smartphone Android đã cán mốc 1 tỷ. Nhìn vào điều này có nghĩa rằng khoảng 250 triệu người vẫn đang chung sống cùng các thiết bị chạy Gingerbread với hiệu suất hết sức ỳ ạch.







Gần như số máy kể trên đã bị các nhà sản xuất bỏ rơi với lý do cấu hình phần cứng không thể đáp ứng tốt cho phiên bản hệ điều hành mới. Những tưởng chúng ta chỉ còn cách chờ đợi một vài năm để số sản phẩm này dần bị đào thải khỏi con thuyền công nghệ, nhưng giờ đây hy vọng lại được nhen nhóm lên. Viễn cảnh các mẫu smartphone với 512 MB RAM có thể chạy được Android 4.4 là có thực. Tất nhiên, bộ xử lý cũng là yếu tố quan trọng bởi Google không hề đưa ra quy chuẩn chung về sức mạnh con chip như thế nào thì có thể chạy được KitKat một cách trơn tru.

Song rõ ràng, nỗ lực của Google để chống lại tình trạng phân mảnh đã được khẳng định. Ít nhiều nếu không thể chạy được các game 3D nặng do giới hạn phần cứng thì người dùng cũng có quyền tự hào rằng mình đang chạy phiên bản hệ điều hành mới nhất với cải tiến về độ mượt và giảm thiểu những cơn lag giật khó chịu.



Tham khảo: PhoneArena.com

0 nhận xét:

Đăng nhận xét