Thứ Năm, 20 tháng 2, 2014

Tại sao Apple lập ra "Đại học Apple"?

Filled under:



Khi Steve Jobs tuyển mộ Joel Podolny vào năm 2008 để tạo ra chương trình "Đại học Apple" (Apple University), mục tiêu mà nhà sáng lập huyền thoại của Apple đặt ra là rất đơn giản: Giúp Apple học hỏi từ chính mình!



Steve Jobs vào đầu năm 2005

Lúc đó, Steve Jobs vẫn còn lãnh đạo Apple như một công ty khởi nghiệp khổng lồ: Triết lý của Steve Jobs có trên tất cả mọi thứ, từ thiết kế sản phẩm cho tới marketing. Nhưng, khi bệnh tình của ông ngày càng một trầm trọng hơn, Jobs muốn Podolny, vị trưởng khoa nổi tiếng của Đại học Quản lý Yale tạo ra một chương trình học giúp các vị lãnh đạo của công ty có thể học được phương pháp quản lý của Steve Jobs, và tiếp tục được phương hướng đó khi ông ra đi.

Khi làm việc với Steve Jobs, Podolny đã tạo ra một chương trình học mang tên Apple University ("Đại học Apple"). Chương trình này có những khóa học dạng như "Điều gì giúp cho Apple luôn là chính Apple". Một vài khóa học được chính các lãnh đạo cao cấp nhất (ví dụ như Tim Cook) đứng lớp, dựa theo thông tin của Adam Lashinky, tác giả cuốn Inside Apple ("Bên trong công ty Apple"). Các khóa học khác được dựa trên các bài học thực hành, được đảm trách bởi một ban riêng bao gồm những tên tuổi nổi tiếng như Richard Tedlow, nhà kinh tế học của Đại học Harvard.

Ngay sau khi Podolny tham gia vào Apple, ông đã được đề bạt lên vị trí Phó Chủ tịch phụ trách Nhân lực của Apple, để thay thế cho Danielle Lambert, người đã rời khỏi Apple cùng người chồng Tony Fadell (sau này sáng lập ra Nest) vào cuối năm 2008. Apple University tiếp tục là trọng tâm của Podolny, đến mức ông thậm chí còn bày tỏ được rời khỏi vị trí quản lý nhân lực cao cấp để toàn tân tàm ý cho dự án Apple University – theo lời Bob Borchers, người từng đóng vai trò quản lý marketing cho iPhone.



Joel Podolny

Trong tuần này, Denise Young Smith đã được đề bạt lên làm phó chủ tịch nhân sự của Apple. Podolny cuối cùng cũng đã được hoàn thành ý nguyện. Và giờ cũng là lúc quan trọng hơn bao giờ hết để Apple tiếp tục gây dựng di sản và tầm ảnh hưởng của Steve Jobs để lại. Nhiều người từng làm việc cùng Steve Jobs giờ đã từ bỏ công ty, ví dụ như Ron Johnson (Phó chủ tịch Hoạt động Bán lẻ) rời Apple để trở thành CEO của JC Penney chỉ vài tháng trước khi Steve Jobs qua đời vào năm 2011. Những người khác cũng bắt đầu "về vườn" do tuổi tác, ví dụ như Rita Lane, lãnh đạo bộ phận phát triển phụ kiện Mac, iPhone và iPad. Thế chỗ cho họ là rất nhiều con người mới: Từ con số 60.400 nhân viên trong tháng 9/2011, chỉ trong vòng 2 năm Apple đã tăng biên chế lên 80.000 người.

Apple sẽ gặp phải trở ngại lớn khi cố gắng giữ chân những con người tài giỏi nhất, Jon Bischke, CEO của công ty tuyển dụng trực tuyến Entelo khẳng định. Vấn đề của Apple là khá hiển nhiên và không thể tránh khỏi: Quả táo đang chuyển hóa từ một doanh nghiệp phát triển siêu nhanh thành một người khổng lồ chậm chạp hơn. Do đó, nhân viên của Apple rất dễ bị chiêu dụ sang các công ty khởi nghiệp hứa hẹn các mức lương thưởng cao hơn. Nếu như Apple không thể chứng minh khả năng tạo ra các sản phẩm thay đổi thế giới như iPhone và iPad dưới thời Steve Jobs, các kỹ sư tài năng chắc hẳn sẽ rời bỏ Táo và đi tìm các công ty khởi nghiệp sáng tạo hơn.

Thực tế, cũng giống như gần như tất cả mọi khía cạnh hoạt động khác của công ty, Apple giữ kín các chi tiết về Apple University. Theo Lashinky, trong chương trình Apple University có cả khóa học về dự định tập trung quá trình sản xuất iPhone về một nhà máy duy nhất tại Trung Quốc. Một khóa học khác nói về sự sụp đổ của A&P, chuỗi cửa hàng thực phẩm từng một thời nắm vị trí số 1 nước Mỹ.



Doanh thu của Apple tiếp tục tăng dưới thời Tim Cook, nhưng tốc độ tăng trưởng đã chậm lại. Chưa có một sản phẩm đột phá nào như iPhone và iPad ra mắt sau khi Steve Jobs rời vị trí CEO.

Kristin Huguet, đại diện của Apple, đã từ chối việc cho phép báo giới tiếp xúc với Podolny để phỏng vấn, và cũng không bình luận gì về các thay đổi đối với Apple University sau khi Young Smith lên nắm quyền.

Hoàn thành được tầm nhìn của Steve Jobs dành cho Apple University sẽ là không dễ dàng. "Podolny là một người rất sáng tạo, nhưng bạn không thể tạo ra một Steve Jobs ngay trong phút chốc", giáo sư Jeffrey Sonnenfeld, người từng làm việc với Podolny tại Yale, khẳng định. "Yếu tố quan trọng nhất của một trí tuệ thiên tài: Đây là một đặc tính đặc biệt. Những người đặc biệt không thể trở thành một phần của một hệ thống đường dây như vậy được".

Podolny hiện cũng đang phải cố gắng vượt qua trở ngại đối với bộ phận Nhân lực của Apple, một công ty có văn hóa "cầu toàn". Khác với các công ty khác, vốn sẵn sàng luân chuyển một nhà lãnh đạo qua nhiều vị trí để gia tăng khả năng của họ giống như những gì Microsoft đã và đang làm, theo đó Apple chỉ thuê các chuyên gia về một lĩnh vực cụ thể và giữ họ hoạt động trong lĩnh vực đó để tận dụng tối đa hiểu biết chuyên môn của họ.

Lê Hoàng

Theo Bloomberg

0 nhận xét:

Đăng nhận xét