Tôi là người mê câu cá. Không phải, cực kỳ mê mới đúng. Có một con sông nhỏ ở dưới chân đồi gần nhà ông bà tôi. Cứ đến tháng 8, khi tôi nghỉ hè ở nhà ông bà, là tôi câu cá.
Tôi thích ngồi trên thuyền, và tất nhiên là câu cá. Tôi không thích ăn cá (lạ chưa?), nên khi bắt được cá, tôi chỉ nhìn ngắm nó một hai phút, mũi hỉnh lên tự hào, rồi thả nó xuống nước trở lại.
Vào một ngày nắng cuối mùa hè năm ngoái, vì vội về nhà ăn trưa, nên tôi để cần câu gác trên thuyền, cứ nhúng xuống nước, rồi chạy về nhà. Suốt bữa trưa, tôi chỉ nhấp nhổm muốn nhanh cho xong bữa, còn ra xem có thứ gì đang móc vào lưỡi câu đợi tôi.
Hạt giống tâm hồn , Lần câu cá nhớ đời |
Nhóc em trai tôi nhăn nhăn nhó nhó, bảo tôi rằng ăn vội vàng như vậy sẽ đau bụng. “Đồ cớm nắng!” – Tôi bảo nó – “Suốt ngày dán mũi vào quyển sách chứ chẳng biết hoạt động ngoài trời là thế nào!”. Đúng thế thật, em tôi chỉ thích đọc và đọc đủ thứ, nó không bao giờ hiểu được hứng thú câu cá của tôi ( đặc biệt là khi tôi câu cá để rồi lại thả xuống sông ).
Cuối cùng thì bữa ăn cũng đã kết thúc và bát đĩa cũng đã được dọn xong. Tôi phi như bay ra sông, hy vọng rằng mình đã bắt được thứ gì đó, chà, gì cũng được. Rõ thật, khi tôi ra đến sông thì sợi dây cước đang căng ra. Tôi chộp lấy cần câu, bắt đầu cuộn dây lên, và tim đập thình thịch vì hồi hộp. Trong đầu, tôi đang hình dung ra cảnh mình mang một con cá to tướng, đựng trong một cái xô nước to tướng, về nhà, và dí vào mũi nhóc em tôi để cho nó biết rằng câu cá thú vị hơn đọc sách gấp trăm lần. Đúng là thằng nhóc hay lên mặt dạy đời.
Hẳn là con cá to đó đã mắc kẹt vào cỏ hay rong tảo gì đó, và tôi có thể chắc chắn rằng nó là con cá to, có lẽ là to nhất mà tôi từng câu được. Tôi thấy nó kéo, nó giật, nhưng dù cố đến đâu, tôi cũng không lôi nó lên được. Nó bị mắc thật rồi.
Tôi có thể thấy con cá đang giật mạnh dây. Nó đúng là vừa to vừa khỏe, chỉ hy vọng là nó không đến mức quá to đến mức không lên thuyền được. Tôi sẽ có thứ để khoe với cả nhà rồi, chắc chắn thế.
Tôi nằm bò ra trên thuyền, bắt đầu thò tay xuống nhổ cỏ ở dưới đáy sông ( gần bờ nên nước rất nông), dần gỡ rối cho sợi dây câu. Tim tôi đập ngày càng nhanh vì phấn khích. Có thể tôi còn bắt nhóc em chụp ảnh với tôi trong khi tôi giơ cao “con cá để đời” ấy chứ. Mà nếu nó đủ to, có lẽ tôi còn được lên báo.
Cuối cùng, tôi cũng gỡ được cỏ rối ra khỏi sợi dây câu, và kéo “anh bạn lớn” từ dưới nước lên. Nhưng chân tay tôi chợt lạnh toát trước nỗi kinh hoàng mới được kéo lên.
Một con rắn to nhất, xấu xí nhất, kinh khủng nhất mà tôi từng nhìn thấy trong đời nhô lên khỏi mặt nước, với lưỡi câu của tôi đang mắc vào miệng nó, khiến miệng nó mở toang hoác. Tôi có thể nhìn cả vào trong họng nó, đang kêu phì phì.
Tôi hét toáng, ném cái cần câu như thể vừa túm phải một bụi xương rồng, ngã bịch xuống chỗ ngồi và bắt đầu ra sức chèo thuyền như thể cả mạng sống của tôi phụ thuộc vào nó. Mà có thể như thế thật ấy chứ. Có lẽ tôi đã có thể chèo thuyền đến tận Vịnh Mexico nếu con sông này đủ dài rộng để tôi trốn thoát khỏi con bò sát ăn thịt gớm ghiếc kia.
Nhưng số tôi chưa hết xui, vì sợi dây câu đã tìm được điểm đỗ hoàn hảo: Nó mắc kẹt vào một cái mấu trong thuyền và mỗi lần tôi chèo thuyền, thành ra tôi lại kéo con rắn lên thuyền cùng tôi.
Tôi lại lao người ra phía trước, cố gỡ sợi dây, và vừa lúc đó thì mũi thuyền va đánh “kịch” vào bờ. Tôi không nhớ mình đã rời khỏi thuyền nhanh đến mức nào, nhưng mà thực sự rất nhanh. Tay tôi run bần bật, và lúc đó, hay chưa, đứng ngay trước mặt tôi là nhóc em “mọt sách”.
- Một con cá to chứ chị? – Nó hỏi.
- Không, không – Tôi rối rít – Chị câu phải con rắn.
Thằng bé tròn mắt, nhảy bổ lên thuyền y như lúc tôi nhảy ra. Nó khéo léo gỡ sợi dây ra khỏi chỗ mắc trên thuyền và giải phóng “con rồng phun lửa” ra khỏi lưỡi câu.
- Ơ, chị…- Nó hỏi – Sao chỗ ngồi trên thuyền lại ướt thế kia?
Tôi đỏ lừ mặt vì xấu hổ:
- Thôi đừng hỏi nữa, chị chỉ cần tống cổ con rắn đó ra khỏi thuyền.
Vài phút sau, nhóc em tôi đã tự hào giờ lên tay “con cá để đời” của tôi: Trông vẫn rất xứng đáng để chụp một bức ảnh. Tất nhiên từ một khoảng cách khá xa.
Con rắn đó cuốn quanh chân em tôi, vòng lên ngang eo thằng bé. Tôi suýt ngã nhào dưới chân vì hoảng hốt. Nhưng em tôi cười toe:
- Đây là loài rắn vô hại mà chị. Em đọc về nó trong sách nhiều lần rồi.
Và rồi nó thả “con quái vật không chân” đó trở lại xuống sông.
Hôm nay thì chẳng có câu cá gì nữa, mà có thể chẳng bao giờ tôi dám câu cá nữa. Hóa ra mỗi sở thích lại có ích riêng, có lẽ tôi sẽ bắt đầu đọc sách để tìm hiểu về các loài vật dưới nước trước khi dám cầm cần câu trở lại.
Shelley Madder
http://vetuoitho.com/bai-viet/hat-giong-tam-hon/lan-cau-ca-nho-doi/
0 nhận xét:
Đăng nhận xét