Thứ Hai, 12 tháng 5, 2014

10 sự thật có thể bạn chưa biết về đỉnh Everest

Đã hơn 60 năm kể từ khi những người đầu tiên chinh phục đỉnh Everest và thu hút rất nhiều nhà leo núi mạo hiểm muốn chinh phục đỉnh núi cao nhất thế giới này !
  • Những điều thú vị về nước có thể bạn chưa biết
  • Những điều có thể bạn chưa biết về pháo hoa
  • Khám phá những điều thú vị của cướp biển có thể bạn chưa biết
  • Những điều có thể bạn chưa biết về Trái đất – ngôi nhà chung của nhân loại
Đã hơn 60 năm kể từ khi Sir Edmund Hillary và Tenzing Norgay lần đầu tiên chinh phục đỉnh Everest và số người cố gắng chinh phục nóc nhà của thế giới đang không ngừng tăng lên mỗi năm. Mặc cho những nguy hiểm về thời tiết, tai nạn mà các nhà leo núi phải đối mặt, ngọn núi vẫn thu hút rất nhiều người từ khắp các quốc gia trên thế giới.

Kỉ lục Guiness đã từng ghi nhận người trẻ nhất lên được đỉnh Everest chỉ mới 13 tuổi, người phụ nữ lớn tuổi nhất chinh phục Everest cũng đã 73 tuổi và người đàn ông lớn tuổi nhất là 80 tuổi và vô vàn những kỉ lục khác. Hãy cùng tìm hiểu một vài sự thật thú vị có thể bạn chưa biết về đỉnh núi cao nhất thế giới Everest qua bài viết dưới đây.

Nhện núi

10 sự thật có thể bạn chưa biết về đỉnh Everest
10 sự thật có thể bạn chưa biết về đỉnh Everest
Phía trên cao của bầu trời, thậm chí còn không có không khí để thở, tưởng chừng như không có loài vật nào có thể sống ở đây. Thế nhưng, những cư dân duy nhất ở trên đỉnh Everest chính là loài nhện, hay còn gọi là nhện nhảy Hymalaya. Chúng thường ở ẩn trong các góc và vết nứt trên sườn đỉnh Everest và còn mệnh danh là một trong những loài vật sống trên độ cao cao nhất hành tinh. Các nhà leo núi đã phát hiện ra loài nhện này ở độ cao 6,700m.

Thức ăn của chúng hầu như rất hiếm và chủ yếu là các loại côn trùng bị gió thổi lạc lên núi. Bên cạnh một vài loại chim thì chúng là loài động vật chỉ sống ở độ cao cao như vậy. Trước đó, một nhà thám hiểm cũng đã thu thập được một số mẫu châu chấu trong quá trình leo lên đỉnh Everest của mình và hiện tại đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Anh.

Chinh phục đỉnh Everst 21 lần


Hai người Sherpa ( tên gọi của những người Tây Tạng ở phía bắc Nepal, sống trong những ngôi làng ở độ cao 3000 - 5000m ) , Apa Sherpa và Phurba Tashi đang nắm giữ kỉ lục về số lần leo lên đỉnh Everest nhiều nhất thế giới. Cặp đôi này hoàn thành tổng cộng 21 lần chinh phục và chưa để xảy ra một sai sót đáng tiếc nào. Dẫu biết rằng Everest là đỉnh núi khắc nghiệt nhất Trái Đất và rất nhiều người đã gục ngã trước ngọn núi này, những gì họ làm được thực sự đáng khâm phục. Tính riêng trong năm 2007, Phurba đã lên nóc nhà của thế giới 3 lần và trong khoảng năm 1990 đến năm 2011, Apa mỗi năm lên đỉnh Everest một lần.

Apa Sherpa nói rằng trong những năm qua hiện tượng nóng lên toàn cầu đã tác động rõ rệt lên đỉnh Everest : tuyết và các sông băng bị tan chảy khiến cho các tảng đá càng ngày càng khó trèo. Ông cũng tâm sự rằng mục đích của những chuyến đi của ông nhằm nâng cao nhận thức của người dân về sự biến đổi khí hậu đang diễn ra vô cùng nhanh trên Trái Đất.

Vụ ẩu đả ở nơi cao nhất thế giới


Everest ngoài mối lo ngại về thời tiết, các vụ tuyết lở.., giữa các nhà leo núi cũng không hề yên bình như bạn nghĩ. Vào năm 2013, nhà leo núi Ueli Steck, Simone Moro và Jonathan Griffith đã trải qua một vụ ẩu đả bạo lực với cộng đồng người Sherpa sống ở đây. Họ cáo buộc các nhà leo núi đã gây ra các vụ tuyết lở dẫn đến cái chết của nhiều người thân của mình.

Các nhà leo núi bác bỏ cáo buộc này và bị người Sherpa đánh, ném đá và thậm chí đã có thể giết họ nếu như không chạy thoát kịp. Vụ việc này đã gây ra nhiều hoang mang với các nhà leo núi muốn chinh phục đỉnh Everest vào thời điểm bấy giờ. Cuối cùng, một quan chức quân đội Nepal đã đứng ra làm chứng và đề nghị cả hai bên kí một thỏa thuận hòa bình để giải quyết tranh chấp.

Lịch sử 450 triệu năm


Mặc dù ai cũng biết dãy Himalaya được hình thành từ cách đây 60 triệu năm, nhưng lịch sử của về đỉnh Everest thậm chí đã có từ trước đấy rất rất lâu rồi. Các mẫu đá vôi và đá sa thạch trên đỉnh ngọn núi đã từng là một phần của các lớp trầm tích dưới mực nước biển 450 triệu năm trước. Theo thời gian, đá nền đại dương được đẩy lên với tốc độ 11cm/ năm và cuối cùng đạt vị trí hiện tại.

Các mẫu đá trên đỉnh Everest chứa khá nhiều hóa thạch của các sinh vật biển nằm trong đại dương trước đó. Nhà thám hiểm Noel Odell đã phát hiện mẫu hóa thạch đầu tiên trên đỉnh Everest vào năm 1924 và chứng minh được rằng đỉnh núi đã từng nằm dưới mực nước biển. Mãi đến năm 1956 chúng mới được mang về bởi một nhà leo núi người Thụy Sĩ.

Chiều cao thực của đỉnh Everest


Chính xác thì đỉnh Everest cao bao nhiêu ? Trung Quốc thông báo rằng nó cao 8,844m còn Nepal thì lại cho rằng đỉnh Everest cao 8,848m. Bên phía Trung Quốc cho rằng núi nên được đo lại từ chiều cao chính xác của lớp đá trên cùng, chứ không tính thêm cả lớp tuyết dày đặc trên đỉnh. Mặc dù không biết bên nào chính xác hơn nhưng cộng đồng quốc tế thường tính cả lớp tuyết phía trên cùng và vào năm 2010 hai nước đã thỏa thuận rằng chiều cao chính xác của đỉnh núi cao nhất giới là 8,848m.

Đỉnh núi vẫn còn có thể cao hơn nữa


Theo một nhóm nghiên cứu về đỉnh núi Everest, cả hai con số mà Nepal và Trung Quốc đưa ra có thể hoàn toàn sai. Năm 1994, họ phát hiện ra rằng, đỉnh núi vẫn còn đang phát triển và đang nhích dần lên với tốc độ 4mm mỗi năm. Tiểu lục địa Ấn Độ ban đầu là một lục địa độc lập và va chạm với Châu Á để tạo thành dãy Himalaya. Các tấm lục địa vẫn đang di chuyển và đẩy ngọn núi cao lên. Các nhà nghiên cứu đến từ AME ( American Milennium Expedition ) đã đặt một thiết bị định vị toàn cầu dưới đỉnh núi để đo tốc độ phát triển của nó vào năm 1999. Kết quả cho thấy, chiều cao thực sự của ngọn núi đã lên tới khoảng 8,850m và con số này đang có đà đi lên.

Đỉnh Everest còn có rất nhiều tên gọi


Mặc dù mọi người đều gọi đỉnh núi cao nhất thế giới là “Everest”, nhưng người bản địa Tây Tạng đã gọi nó bằng cái tên “Chomolungma” qua hàng thế kỉ. Trong tiếng Tây Tạng, nó có nghĩa là “Mẹ của những ngọn núi”. Nhưng đó không phải là những cái tên duy nhất. Những người Nepal gọi nó là “Sagarmatha”, có nghĩa là “Trán của trời”, vì vậy mà nó còn là một phần của Vườn quốc gia Sagarmatha.

Sau khi nghiên cứu bản đồ của khu vực xung quanh và vẫn chưa tìm được cái tên thích hợp, người vẽ bản đồ khu vực Andrew Waugh đã đặt tên đỉnh núi theo tên của George Everest - người đứng đầu nhóm nghiên cứu của Anh đầu tiên đi khảo sát Himalaya. Đại tá Everest đã từ chối vinh dự này nhưng người Anh đã chính thức chuyển tên đỉnh núi từ “Đỉnh XV” thành Đỉnh Everest vào năm 1865.

Tắc nghẽn trên đỉnh Everest


Mặc dù chi phí cho việc leo lên đỉnh Everest lên tới hàng ngàn đô la nhưng càng ngày càng có nhiều người cố gắng chinh phục nó. Năm 2012, nhà leo núi người Đức Ralf Dujmovits đã chụp được một bức ảnh cho thấy hàng trăm người leo núi đang xếp hàng để có thể lên tới đỉnh. Ralf quyết định quay lại do thời tiết xấu và phải chờ đợi quá lâu.

Vào ngày 19 tháng 5 năm 2012, các nhà leo núi đến đông tới nỗi họ phải chờ hai tiếng để lên được đỉnh Everest. Trong nửa ngày, 234 người lên được đỉnh núi nhưng 4 người đã không may thiệt mạng. Các chuyên gia của Nepal đã phải cho thêm những sợi dây thừng mới để giảm tắc nghẽn và thậm chí đã từng đề cập về việc lắp đặt những chiếc thang vĩnh viễn ở đó.

Ngọn núi bẩn nhất thế giới


Có vô số những bức ảnh của các nhà leo núi về chuyến đi của họ chinh phục đỉnh Everest, nhưng hiếm khi chúng ta được “chiêm ngưỡng” những gì họ bỏ lại phía sau. Everest không chỉ rải rác xác của các nhà leo núi không may thiệt mạng mà còn chứa khoảng 50 tấn chất thải để lại sau mỗi mùa. Sườn núi rải rác với những bình thở oxy, dụng cụ leo núi và chất thải của con người. Tổ chức EEE ( Eco Everest Expedition ) đã cố gắng giải quyết vấn đề này và hiện tại họ đã thu thập được hơn 13 tấn chất thải.

Bên cạnh đó, chính phủ Nepal cũng đã áp dụng một quy tắc mới bắt đầu vào năm 2014 khi mà các nhà leo núi bắt buộc phải mang xuống 8 kg chất thải, còn không sẽ bị phạt 4,000$. Một số nghệ sĩ cũng đã biến 8 tấn chất thải, bao gồm cả lều hỏng, lon bia thành 75 tác phẩm nghệ thuật. Để làm được điều này đã có khoảng 65 người chuyên khuân vác những chất thải xuống trong vòng 2 năm và giúp mọi người nhận thức rõ hơn về vấn đề vứt rác bừa bãi trên đỉnh núi.

Không phải là ngọn núi cao nhất thế giới


Mặc dù Everest là đỉnh núi cao nhất trên Trái Đất tính từ mực nước biển, nhưng Mauna Kea, một ngọn núi lửa Hawaii đã ngừng hoạt động mới đang giữ kỉ lục về ngọn núi cao nhất thế giới. Đỉnh Everest cao hơn nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc ngọn núi đó cao hơn. Mauna Kea chỉ đạt độ cao 4,205m trên mực nước biển nhưng dưới mặt nước nó trải dài đến 6000m. Chiều cao đầy đủ của nó lên tới 10,200m, khiến nó trở thành ngọn núi cao nhất thế giới tính đến thời điểm hiện tại.

10 sự thật có thể bạn chưa biết về đỉnh Everest / Lukhachdem Blog
Tham khảo : Listverse.com
Theo: Genk.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét