Tự biết khuyết điểm cũng là ưu điểm - Lời hay ý đẹp
Biết được khuyết điểm, ưu điểm của mình cũng đồng nghĩa là biết lượng sức mình, kiểm soát được hành động của mình.
Đây là điều kiện thiết yếu giúp chúng ta dễ thành công trong cuộc sống.
Có người nói với tôi:
Thưa sư phụ! Thầy là một tiến sĩ văn chương, và cũng viết không ít sách. Nếu Thầy là vị cư sĩ tại gia thì nhất định Thầy sẽ là một tác gia nổi tiếng.
Tôi nói:
Được vậy là nhờ tôi xuất gia. Nếu không thì văn chương đâu mà viết!
Cũng có người nói:
Pháp Cổ Sơn và thiền tự Đông Sơ rất cần kinh phí. Sao Ngài lại không chịu hợp tác làm ăn với chúng tôi để có kinh phí hoằng dương Phật pháp?
Tôi nói:
Xin anh đừng có hại người! Nếu như tôi mà mua bán thì nhất định sẽ thảm bại!
Vượt lên chính mình.
Không phải người ta không thể cải đổi hành nghiệp của mình. Nhưng chúng ta phải xét lường, mỗi người chúng ta đây đều có tư chất bẩm sinh và điều kiện hiện tại riêng của mình. Đó chính là sự phối hợp nhân duyên, và cũng chính là biết mình biết người, hiểu người hiểu mình, hiểu tình hình thực tại.
Tôn Tử Binh Pháp chủ trương: “Biết mình biết người trăm trận trăm thắng” với người bình thường mà nói thì biết mình còn khó hơn so với biết người nữa.
Phàm những người biết người mà không biết mình thì nhất định sẽ bị nhiều phiền não. Những người như vậy, đã không biết làm người mà làm việc gì cũng khó thành.
Nếu muốn tự khẳng định lấy mình thì cần phải tăng trưởng ưu điểm, cải thiện khuyết điểm.
Biết được khuyết điểm cũng có thể nói đó là một loại ưu điểm.
Biết được khuyết điểm, ưu điểm của mình cũng đồng nghĩa là biết lượng sức mình, kiểm soát được hành động của mình. Đây là điều kiện thiết yếu giúp chúng ta dễ thành công trong cuộc sống.
Pháp sư Thánh Nghiêm
Dịch lời: Tỳ kheo Thích Minh Kiết
Theo Phật giáo Việt Nam
0 nhận xét:
Đăng nhận xét