Trong vài tháng qua, đã có một số thông tin tin tốt lành về F-35 . Không quân Hoàng gia Hà Lan trở thành đối tác tiếp theo đặt mua loại máy bay này. Trong khi đó, mặc dù hợp đồng vẫn chưa ngã ngũ, nhưng Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã cam kết sẽ trang bị F-35 trong lực lượng không quân của mình để nó xuất hiện trên bầu trời châu Á.
Robert Farley, chuyên gia về các vấn đề quân sự và an ninh quốc gia tại Đại học Ngoại giao và Thương mại quốc tế Patterson, Mỹ nhận định, thực tế là trong khi một số đối tác đã giảm cam kết của họ trong năm qua, nhưng không ai rút lui hoàn toàn. Vì vậy, F-35 Lightning II vẫn còn hy vọng được phục vụ trong lực lượng không quân của hàng chục đồng minh chủ yếu của Mỹ.
Máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ.
“Cái chết hình xoắn ốc”
Hãng tin Reuters đã từng nói về “cái chết hình xoắn ốc” để mô tả về nguy hiểm mà chiếc máy bay này phải đối mặt trước khi được đưa vào sử dụng do sự tăng cao về mặt chi phí. Chính điều này đã khiến các đối tác chính trị và quân sự hủy bỏ một phần của hợp đồng mua F-35. Rõ ràng trong một phân số, khi mẫu số là các đối tác giảm xuống thì giá cả cho một lô hàng sẽ tăng lên vì chi phí nghiên cứu, phát triển và khởi động đều nằm trong tử số. Sự gia tăng giá cả sau đó đã tạo ra cơn “bão lửa” chính trị trong lòng nước Mỹ, việc sản suất thêm đã bị hủy, chi phí lại tiếp tục tăng, gây khó khăn cho các đối tác quốc tế.
Nhưng thách thức trên có lẽ chưa đủ mạnh khiến F-35 bị khai tử. Xét về mặt hiệu quả, F-35 trở thành “kẻ không thể bị tiêu diệt”. Qua những kinh nghiệm gặp phải trong một số chương trình B- 2 Spirit, F-22 Raptor và một số chương trình khác, Lockheed Martin và Lầu Năm Góc đã làm việc rất “chăm chỉ” để đảm bảo rằng không ai có thể “giết chết” F-35. Ngoài ra, 3 công ty của Mỹ cũng đã cam kết mua số lượng lớn máy bay tiêm kích đa năng kết hợp trên.
F-35 được thiết kế nhằm chiếm ưu thế trong những tình huống tác chiến trên không với tầm quan sát từ bên ngoài (BVR) hiệu quả trong một môi trường thông tin mạng. Kỹ thuật tàng hình làm cho chiếc máy bay khó bị phát hiện bởi radar tầm ngắn. Nó có một vài điểm cải tiến so với thế hệ máy bay chiến đấu hiện tại là: Kỹ thuật tàng hình bền bỉ và bảo trì ít tốn kém hơn; hệ thống radar và cảm biến tích hợp phối hợp thông tin trên máy bay và từ mặt đất nhằm tăng cường khả năng nhận biết tình huống của phi công, nhận biết địch thủ và sử dụng vũ khí, cũng như chuyển tiếp thông tin nhanh chóng đến các nút chỉ huy và điều khiển khác; mạng lưới dữ liệu tốc độ cao bao gồm IEEE-1394b và Fibre Channel; chi phí duy trì vòng đời thấp.
Bên cạnh đó, mặc dù kỹ thuật hiển thị thông tin lên mũ bay đã áp dụng trên một số máy bay chiến đấu thế hệ IV như JAS 39 Gripen của Thụy Điển, F-35 sẽ là máy bay đầu tiên mà kỹ thuật này sẽ hoàn toàn thay thế cho kỹ thuật hiển thị thông tin trước mặt.
Tương lai của F-35
Tuy nhiên, việc thử nghiệm F-35 đã xuất hiện những lỗi trong thiết kế như nhiều vết nứt trên máy bay mà lẽ ra không thể có với lượng thời gian bay chỉ mới bằng 1/10 thời gian dự tính, khiến việc bảo dưỡng tốn nhiều tiền hơn. Các lỗi chính khác của dòng máy bay F-35 là hệ thống hiển thị công nghệ cao của mũ phi công hoạt động rất đáng thất vọng, hệ thống bơm nhiên liệu để lại nhiên liệu trên bề mặt máy bay, hệ thống cung cấp điện dự phòng không đảm bảo an toàn...
Ngoài vấn đề giá của F-35 ngày càng cao với chi phí đã đội lên đến 93% tính từ kế hoạch năm 2001 trong khi chất lượng sản phẩm bị chỉ trích là "có khả năng gây vấn đề nghiêm trọng" với tỷ lệ buộc phải sửa và làm lại 16%, thì còn một vấn đề khác nữa là, F-35 không chịu được sét đánh và hiện tại loại máy bay này đã bị cấm hoạt động tại các khu vực thường xuyên có dông và phải cách các khu vực này ít nhất 40km. Mẫu F-35B dùng trên tàu sân bay thì đang gặp vấn đề với nhiệt lượng khí đẩy của mình khi sức nóng làm hỏng đường băng cũng như nhiều hệ thống gần sàn đáp có thể bị hư hỏng do F-35B hạ cánh và cất cánh quá gần với các loại vũ khí, ăng-ten, cửa thoát nhiên liệu, ống dẫn nhiên liệu, thuyền cứu sinh, lan can, lưới bảo vệ, một số thiết bị điện và hầu hết các thiết bị khác.
Mũ phi công được sản xuất bởi Công ty RCESA, có giá hàng trăm nghìn USD mỗi chiếc. Nhiều phi công thử nghiệm báo cáo họ đã bị chóng mặt, mất phương hướng trong không gian khi điều khiển F-35, nghiêm trọng tới mức họ phải tắt dữ liệu và hạ cánh "thủ công". Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do độ trễ nhất định của việc chuyển tín hiệu lên chiếc mũ, do máy tính của F-35 còn phải xác định xem phi công đang nhìn đi đâu để chuyển lệnh tới camera tương ứng.
Các lỗi kỹ thuật của mũ điều khiển khiến phi công của các chiếc máy bay có giá trên 100 triệu USD buộc phải bay trong tình trạng mù. Thay vì giúp phi công nhìn thấy tất cả các vật thể xung quanh, chiếc mũ bay hiện đại khiến phi công bị rối tung lên vì đưa ra quá nhiều hình ảnh từ radar và camera. Hơn nữa, việc sử dụng chế độ đốt hậu của máy bay trong thời gian dài có thể khiến lớp sơn tàng hình ở phần đuôi máy bay bị bong ra. Hệ thống camera được dùng để thay thế cho việc phi công phải ngoái đầu lại phía sau lại có những điểm mù, khiến phi công không thu được hết hình ảnh.
Quan chức phụ trách thử nghiệm F-35 của Bộ Quốc phòng Mỹ, J. Michael Gilmore cho biết, khả năng chiến đấu duy nhất của chúng hiện nay là lao thẳng vào máy bay khác tự sát. Nếu F-35 tham gia chiến đấu ngay bây giờ, chúng sẽ cần sự hỗ trợ lớn từ các máy bay thế hệ 4 khác để chống lại các mối đe dọa nhằm vào bản thân và chương trình F-35 bị phát hiện đến 363 lỗi có thể phát sinh, một con số "ấn tượng" cho một dự án tốn 400 tỷ USD.
Winslow Wheeler, người phụ trách chương trình cải cách quân sự Straus thuộc Trung tâm Nghiên cứu tình báo quốc phòng Mỹ thì cho rằng F-35 bị đánh giá là không đạt được hiệu quả kỳ diệu mà một số người cố gắng thúc đẩy, đây là một sự thất bại lớn trên một số phương diện... Chỉ có thể làm một việc đối với nó là “ném vào sọt rác”. Lực lượng không quân Mỹ xứng đáng có một máy bay tốt hơn và người đóng thuế xứng đáng có một sản phẩm rẻ hơn nhiều.
Một câu hỏi khác là liệu những tính năng chiến đấu được thiết kế cho F-35 bao giờ sẽ trở thành trọng tâm đối với các lợi ích chiến lược của Mỹ. Nhưng nếu như nó hoạt động đúng như được thiết kế, thì khả năng cất cánh và hạ cánh thẳng đứng của F-35 sẽ giúp cho một số quốc gia vận hành được một loại máy bay chiến đấu siêu âm hiện đại từ tàu sân bay cỡ nhỏ.
F-35 Lightning II cùng với Typhoon và Rafale sẽ trở thành những bay chiến đấu hàng đầu được cung cấp bởi phương Tây trong 50 năm tới. Mặc dù tương lai của chiến tranh hiện đại rất khó dự đoán, nhưng F-35 vẫn có thể làm được những việc phi thường.
Theo Baotintuc
0 nhận xét:
Đăng nhận xét